Dòng sự kiện:

Tọa đàm ‘Tác nghiệp báo chí với luật Tiếp cận thông tin’

P.V
13:25 03/10/2019
Ngày 27/9/2019 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Tác nghiệp báo chí với luật Tiếp cận thông tin” do Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) và tổ chức CARE International tại Việt Nam tổ chức. Tọa đàm được tổ chức nhằm tìm hiểu báo chí sử dụng luật Tiếp cận thông tin (TCTT) như thế nào trong tác nghiệp và lý giải những băn khoăn của giới báo chí về luật Tiếp cận thông tin.

Đây là sự kiện đánh dấu “Ngày quyền biết” của các tổ chức CARE International tại Việt Nam, Oxfam tại Việt Nam và cũng là hoạt động bên lề của Giải báo chí với Phát triển bền vững (JSD) 2019 do RED tổ chức chức.  

Có hơn 30 nhà báo từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên toàn quốc tham gia tọa đàm này.

Mở đầu tọa đàm, bà Ngô Thị Thu Hà, đại diện của Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) trình bày nghiên cứu về luật TCTT và việc thực thi. Theo đó, Luật TCTT có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 nhưng hiện nay chỉ có 9,3% người dân biết vể Luật này và cho đến nay, các cơ quan mà nhóm nghiên cứu của CEPEW khảo sát chưa nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ người dân theo Luật này.

Kết quả nghiên cứu này được các nhà báo tham gia tọa đàm đồng tình bởi nhiều người trong số họ chỉ biết đến luật TCTT khi được mời tham gia tạo đàm này.

Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi quanh việc làm sao để tiếp cận được thông tin khi cơ quan chức năng “né”, không muốn trả lời. Về vấn đề này, nhà báo Việt Hoa chia sẻ bằng vụ việc gần đây nhất chị thực hiện, đó là vụ nhà không phép ở huyện Bình Chánh và phải có câu trả lời của cơ quan chức năng, tuy nhiên, các đại diện cơ quan này, người này “đá” câu trả lời sang người kia nhưng không ai chịu trả lời. Cuối cùng, chị phải đưa vấn đề này lên báo và sau bài báo đó, UBND thành phố đã yêu cầu phó chủ tịch phụ trách vụ việc này ở Bình Chánh phải trả lời.

Tuy nhiên, chị cũng cho biết, không phải lúc nào cũng may mắn như vậy và có những vụ việc, dù bị đưa lên báo, cơ quan chức năng vẫn im lặng. Lúc đó thì nhà báo đành ngậm ngùi để vụ việc qua đi.

Có hơn 20 lượt chia sẻ về các vấn đề quanh việc tiếp cận thông tin của các nhà báo tại tọa đàm này và các chia sẻ đều gặp nhau ở một điểm, đó là dù có luật TCTT, luật Báo chí nhưng các nhà báo muốn lấy được tin thì phải vận dụng cách riêng của mình.

Nhà báo Tiến Phòng thì cho rằng, trong những trường hợp khó tiếp cận thông tin này, chỉ có cách gây áp lực để lấy thông tin. Anh kể về bài viết gần đây về tình hình đất đai ở Phú Quốc và ông chủ tịch xã không từ chối nhưng hẹn 5 lần 7 lượt đều bận hoặc tắt máy lúc cần thiết. Kết quả là anh đã phải gọi cho cấp cao hơn, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang với tần xuất cứ 5 phút gọi một lần. Kết quả là cuối cùng ông chủ tịch xã phải gọi lại cho nhà báo để trả lời.

Nhà báo Thu Trang cho biết là nhiều lãnh đạo ở các tỉnh phía Bắc để điện thoại ở chế độ chỉ có những người trong danh bạ thì mới nhận tin nhắn, cuộc gọi, vậy nên cách gây áp lực bằng điện thoại khó khả thi.

Chị chia sẻ cách xử lý khác, đó là không lấy thông tin được từ cơ quan chức năng thì đưa những câu chuyện nóng bỏng của người dân liên quan đến vụ việc đó lên mặt báo với bằng chứng cụ thể. Vậy là sau khi báo đăng, cơ quan chức năng phải đồng ý trả lời nhà báo theo đường công văn đàng hoàng.

Nhà báo Huy Trung là một trong những nhà báo tham gia đưa tin ở cầu Nhật Tân năm 2016 và bị công an “gạt tay trúng má”. Lần đó, anh còn bị đập máy quay phim. Bên cạnh nghề nhà báo thì Huy Trung còn là võ sư. Tuy nhiên, anh chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng và không phản ứng lại. Anh nhấn mạnh rằng nhà báo phải ứng xử hài hòa, đúng luật và có giác quan rất nhạy bén để có được những thông tin, tư liệu mình mong muốn.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của RED, nguyên TBT tạp chí Lập pháp thì bên cạnh luật TCTT, các nhà báo cần vận dụng một loạt các luật khác như luật Tố cáo… để tiếp cận được thông tin.

Một vấn đề khác được các nhà báo quan tâm trong tọa đàm này, đó là thế nào là thông tin có có hại, không được cung cấp cho nhà báo, cho người dân. Bởi hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan nào quyết định thế nào là thông tin gây hại. Theo các chuyên gia thì trong trường hợp này, nhà báo cần vận dụng luật Tố cáo và nhiều luật khác để tiếp cận được thông tin mình muốn. Tuy nhiên, các nhà báo cho rằng mục đích của họ khi tiếp cận cơ quan chức năng là để lấy thông tin, nếu mang luật ra mà “đấu” với các cơ quan này thì sẽ chỉ nhận được các văn bản không dùng được và khi tin đã “nguội”. Bởi vậy, làm sao lấy được thông tin gắn nhãn “gây hại” thì nhà báo chỉ còn cách tiếp cận riêng của mình.

Kết thúc tọa đàm, các nhà báo thấy rằng luật TCTT cần được truyền thông rộng rãi hơn cho người dân, cho cơ quan chức năng địa phương và các nhà báo phải góp phần vào việc truyền thông này.

Nguồn: Gia đình Việt Nam