Dòng sự kiện:

Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam nói gì về đề xuất cải tiến Tiếng Việt gây tranh cãi

12:26 26/11/2017
Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã lên tiếng trước đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền đang gây tranh cãi thời gian gần đây.

Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Tối 25/11, trả lời PV VTC News, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, phương án PGS TS Bùi Hiền đưa ra là quá lạ, quá khó, không phù hợp, nếu đưa ra áp dụng thì sẽ rối loạn.

- Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng cải tiến này khá rối rắm, không thể chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có người nói ý tưởng này không hẳn bất hợp lý vì đang hướng đến một nguyên tắc thống nhất về ngôn ngữ Việt. Quan điểm của ông về ý tưởng này thế nào?

Tôi phải nói ngay, ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ đã có từ lâu, từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi đó, các nhà khoa học (trong đó có các nhà ngôn ngữ học) đã tham gia các hội thảo (do Ủy ban Khoa học Nhà nước chủ trì) về việc xem xét, cải tiến chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn.

Nhiều phương án đã đưa ra (Có phương án nếu bây giờ mọi người đọc lại cũng thấy kì cục). Nhưng thực tế đã vấp phải nhiều trở ngại. Chữ quốc ngữ được chế tác trên cơ sở chữ cái Latin, để ghi đủ các âm vị tiếng Việt, người ta có thêm một số con chữ (ă, â, ơ, ô, đ, nh, ng(h),…) và các thanh điệu (âm vị siêu đoạn tính). Do thói quen sử dụng và nếu thay đổi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy và những phương án cải tiến trước kia đều không thực hiện được.

Nếu ý kiến PGS TS Bùi Hiền có từ thời kỳ đó chắc không có vấn đề gì. Trong Hội thảo 9/2017 vừa rồi (do Hội Ngôn ngữ học VN và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức), đây là 1 trong hơn 260 báo cáo gửi đến và được đăng trong kỉ yếu. Nên nhớ, đó là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có. Đó chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.

Đoạn văn bản sau khi Tiếng Việt được cải cách theo nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền. 

- Ngay cả trong giới ngôn ngữ học từ lâu cũng tranh cãi quyết liệt về vấn đề cải cách hay không cải cách tiếng Việt. Người cho rằng tiếng Việt khó học, khó đọc nên tiềm năng hội nhập ngôn ngữ quốc tế không cao. Cũng có người bảo vệ quan điểm cho nó là thứ ngôn ngữ tạo nên bản sắc riêng biệt của dân tộc. Ông nhận định thế nào?

Ý kiến trái chiều là đương nhiên. Nhưng hình như mọi người đang quan trọng hóa vấn đề. Không có gì đặc biệt cả. Hình như mọi người thấy phương án PGS TS Bùi Hiền đưa ra là quá lạ, quá khó, không phù hợp, nếu đưa ra áp dụng thì sẽ rối loạn.

Tôi cũng cảm thấy thế. Tuy nhiên, không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác ngay. Ông Bùi Hiền dĩ nhiên có cơ sở riêng của ông, còn cơ sở đến đâu ta bàn sau. Điều ghi nhận là tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Mọi người cứ yên tâm “kê cao gối mà ngủ”, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả.

Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không có một thế lực nào dễ dàng thay đổi được nó (mặc dù nó đang bộc lộ những bất hợp lý như những bất hợp lí của nhiều ngôn ngữ khác).

Việc ta trao đổi cứ trao đổi. Khoa học chấp nhận điều này, ngay cả ý kiến cự đoan.

- Nếu không hoàn toàn đồng tình với đề xuất cải cách ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, theo ông chúng ta cần thay đổi gì để nâng cao và hoàn thiện tiếng Việt hơn?

Tôi không những tham gia mà còn là người biên tập chính cho kỷ yếu. Tôi đọc bài của PGS. TS Bùi Hiền rồi và vẫn cho in vì tôn trọng một ý kiến, dù trong bối cảnh hiện tại (chủ đề của Hội thảo là “Ngôn ngữ ở VN: Hội nhập và Phát triển” thì ý kiến này hơi “lạc điệu”). Nhưng một Hội thảo càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú, sinh động chứ. Tiếng Việt có nhiều vấn đề đáng quan tâm hiện nay, như ngôn ngữ giới trẻ, ngôn ngữ thời đại công nghệ số, hiện tượng sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi,…

Một ý tưởng thay đổi những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ của cả một dân tộc không hề dễ dàng chút nào, ngay cả khi nó hoàn toàn hợp lý, huống hồ là ý tưởng thiếu cơ sở khoa học và không khả thi. Chúng ta biết, trước kia Bác Hồ từng viết “z” thay cho “d” (dân tộc = zân tộc), “f” thay cho “ph” (phải = fải), “j” thay cho “gi” (giữ gìn = jữ jìn) nhưng đó cũng chỉ là một ý kiến theo thói quen của Bác (mà thực tế là hợp lí và logic).

Nhưng mọi người vẫn không phải vì thế mà thay đổi (do áp lực của thói quen quá lớn, nếu thay đổi sẽ làm đảo lộn nhiều thứ). Cộng đồng tiếng Việt vẫn viết theo chính tả đã và đang tồn tại.

 

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTC

Ý kiến trái chiều là đương nhiên. Nhưng hình như mọi người đang quan trọng hóa vấn đề. Không có gì đặc biệt cả. Hình như mọi người thấy phương án PGS TS Bùi Hiền đưa ra là quá lạ, quá khó, không phù hợp, nếu đưa ra áp dụng thì sẽ rối loạn.

Tôi cũng cảm thấy thế. Tuy nhiên, không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác ngay. Ông Bùi Hiền dĩ nhiên có cơ sở riêng của ông, còn cơ sở đến đâu ta bàn sau. Điều ghi nhận là tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Mọi người cứ yên tâm “kê cao gối mà ngủ”, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả.

Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không có một thế lực nào dễ dàng thay đổi được nó (mặc dù nó đang bộc lộ những bất hợp lý như những bất hợp lí của nhiều ngôn ngữ khác).

Việc ta trao đổi cứ trao đổi. Khoa học chấp nhận điều này, ngay cả ý kiến cự đoan.

- Nếu không hoàn toàn đồng tình với đề xuất cải cách ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, theo ông chúng ta cần thay đổi gì để nâng cao và hoàn thiện tiếng Việt hơn?