Dòng sự kiện:

Trẻ nhỏ cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Theo Gia đình xã hội
09:34 26/08/2019
Nhiều cha mẹ đã vô cùng hoang mang khi biết con nhỏ tuổi đã mắc gan nhiễm mỡ. Các chuyên gia cho rằng, tuy gan nhiễm mỡ không phải bệnh ác tính nhưng để lâu có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

Vì sao trẻ em bị gan nhiễm mỡ?

Thấy con mệt mỏi và hay kêu đau ở hạ sườn, chị Mai Thị Ly (Hà Nội) đã đưa con gái 6 tuổi đi khám. Qua thăm khám xét nghiệm bác sĩ phát hiện chỉ số triglyceride rất cao nên cho biết bé bị gan nhiễm mỡ. Bố mẹ của cháu không tin vì bé còn nhỏ không thể nào mắc bệnh mà chỉ ở người lớn này. Gia đình chị đưa con đi kiểm tra ở nơi khác cũng cho kết quả con bị gan nhiễm mỡ.

BS Hoàng Thị Năng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trường hợp như gia đình chị Ly không phải là ít. Đa phần mọi người chỉ nghĩ là bệnh gan nhiễm mỡ người lớn mắc chứ ở trẻ nhỏ không bị. Tuy nhiên, trẻ nhỏ bị gan nhiễm mỡ không hiếm và tỷ lệ ngày càng tăng cao. Gan nhiễm mỡ là nếu mỡ tích tụ quá nhiều ở gan, vượt quá 5% trọng lượng gan hoặc về mặt mô học có hơn 50% tế bào gan bị nhiễm mỡ.

Việc chủ quan, bỏ qua tình trạng trẻ bị gan nhiễm mỡ là do dấu hiệu ban đầu của bệnh khó phát hiện. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc gan nhiễm mỡ cha mẹ cần chú ý như trẻ cân nặng vượt quá 20% mức độ tiêu chuẩn (nguy cơ béo phì sinh ra gan nhiễm mỡ). Trẻ thường xuyên khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, sụt cân... Gan nhiễm mỡ nếu không điều trị có nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

GS Đào Văn Long – nguyên Trưởng khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai) cũng chia sẻ rằng, bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ ngày càng nhiều, thậm chí có trẻ chưa học lớp 1 nhưng gan đã trắng xoá mỡ. Trẻ nhỏ phát hiện mắc gan nhiễm mỡ thường chủ yếu qua siêu âm khi kiểm tra sức khỏe.

Để biết có mắc bệnh hay không và mức độ tổn thương gan thế nào, các xét nghiệm có thể được thực hiện như xét nghiệm máu, men gan AST, ALT cùng một số xét nghiệm khác như siêu âm gan đo độ đàn hồi để xác định mức độ nhiễm mỡ và xơ hóa như Elastography hay Fibroscan.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới bị gan nhiễm mỡ có nhiều. Một số thói quen xấu và chế độ ăn uống không khoa học có liên quan mật thiết đến sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ. Đa phần trường hợp trẻ bị gan nhiễm mỡ xuất phát từ việc thừa cân hoặc béo phì. Trẻ bước vào thời kỳ đặc biệt của sự tăng trưởng và phát triển, cũng là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển mỡ. Ở giai đoạn này không có sự chăm sóc thích hợp về chế độ dinh dưỡng dẫn tới tỷ lệ trẻ bị béo phì ngày nhiều hơn. Đó cũng chính là lí do sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em.

Những trẻ thường xuyên ăn các loại thực phẩm nhiều đường, chứa chất béo bão hòa hoặc chất bảo quản cũng dễ sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ. Tỷ lệ cao các chất này trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ làm tăng tỷ lệ của một số vi khuẩn sinh ra các phân tử viêm nhiễm tại chỗ, chúng sẽ nhanh chóng lan ra các phân tử trong máu, mô mỡ, cơ... làm gan bị tổn thương.

Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ cũng dễ mắc phải khi trẻ có các bệnh mạn tính, bệnh về chuyển hóa khiến trẻ không thể ăn uống, sút cân đột ngột, chuyển hóa khác thường… Những lúc này gan không thể chuyển hết thành năng lượng được nên phần dư thừa lắng đọng trong gan và hình thành mỡ.

Điều cần làm giúp con tránh bệnh gan nhiễm mỡ

Để tránh những biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ, khi chẳng may trẻ mắc bệnh lý này cha mẹ cần chú ý:

Điều chỉnh lại chế độ ăn, tránh béo phì

Thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày có vai trò rất lớn đối với hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ cho trẻ. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cho trẻ có chế độ ăn khoa học. Cần tăng cường rau xanh, trái cây tươi cho trẻ. Vitamin và khoáng chất ở trong nhóm thực phẩm này không những đóng vai trò tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp cho quá trình hồi phục tổn thương ở gan diễn ra nhanh và tốt hơn.

Trẻ cần tránh mỡ động vật, hạn chế tối đa đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các loại bánh kẹo…

Tăng cường luyện tập thể thao

Đây là cách giúp trẻ tăng sức đề kháng, còn tránh tình trạng béo phì, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Cha mẹ nên lựa chọn các bộ môn thể thao phù hợp với lứa tuổi của trẻ như bơi lội, chạy bộ…

Ăn ngủ đúng giấc

Trẻ cần được tạo lập thói quen ăn ngủ đúng giờ. Bữa ăn của trẻ có thể chia nhỏ thành nhiều bữa nhưng hãy tránh ăn khuya vì nó không tốt cho hoạt động của gan và hệ tiêu hóa. Các bữa ăn phụ nên lựa chọn món ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo...

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Những trẻ bị gan nhiễm mỡ cần được kiểm tra đánh giá chức năng gan thường xuyên để phát hiện. Trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ nghiêm túc về loại thuốc cũng như liều lượng sử dụng. Khi có lịch tái khám, cha mẹ cũng cần đến đúng lịch để bác sĩ kiểm tra xem diễn tiến bệnh có đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hay không. Trường hợp không cải thiện hoặc xấu đi, các bác sĩ sẽ có kịp thời đưa ra phương án điều trị tốt hơn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam