Dòng sự kiện:

Từ vụ bé 9 tuổi bị sát hại, mẹ Việt ở Nhật mách nhau cách dạy con

ngoisao.net
12:53 27/03/2017
Vì không thể dạy con nhận biết được kẻ xấu nên chị Bích Nguyệt nhắc đi nhắc lại với con nguyên tắc: 'Con không được đi theo ai ngoài bố và mẹ'.

Hôm qua, 26/3, cảnh sát Nhật Bản đã tìm thấy thi thể của bé gái 9 tuổi, Le Thi Nhat Linh, học sinh lớp ba, trên một bãi cỏ gần ống thoát nước tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba. Bé Nhat Linh, người Việt Nam, bị mất tích từ ngày 24/3. Theo Kyodo News, thi thể bé trong trạng thái không mặc quần áo và có dấu hiệu cho thấy em bị bóp cổ. Camera an ninh đã ghi lại được hình ảnh có một ôtô che biển số xuất hiện trên cung đường bé Nhat Linh thường đi học và có vẻ đã theo dõi bé suốt khoảng một tháng.

Thi thể của bé Nhat Linh được tìm thấy sau 2 ngày mất tích.

Chị Nguyệt cho rằng, không có nơi nào an toàn tuyệt đối cho trẻ và ngoài bố mẹ ra. Từ kinh nghiệm của mình, chị khuyến cáo một số điều phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho con, bao gồm:Vụ việc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh, nhất là những bố mẹ Việt đang sinh sống tại Nhật Bản. Chị Bích Nguyệt (Setagaya, Tokyo) đã chia sẻ về những lo lắng của mình như sau: "Ở Nhật, bắt cóc trẻ con vì mục đích tống tiền thì ít mà để thỏa mãn cho những nhu cầu bệnh hoạn thì nhiều. 99% thủ phạm là những người sống gần mình, có vẻ ngoài, tính cách bình thường như bao người khác, thậm chí còn đồng, hay cười, hay chào hỏi, dễ thương... với hàng xóm xung quanh. Nhật Bản là một đất nước an toàn nhưng hàng năm vẫn có những vụ án đau lòng. Cho dù con đã 10 hay 11,12 tuổi nhưng nếu hung thủ ra tay quá nhanh, quá mạnh thì trẻ cũng không thể phản ứng kịp".

1. Không để trẻ đi học một mình: "Bên Nhật trẻ tự đi học nhưng phần nhiều là đi theo nhóm 2-3 bạn và trên đoạn đường đi luôn có thành viên của hội phụ huynh đứng dọc đường, đứng ở các ngã tư để hỗ trợ".

2. Không để trẻ đi một mình ở những đoạn đường vắng, những chỗ ít người qua lại, những chỗ khuất tầm mắt quan sát của những người xung quanh. Bởi cho dù bé có mang các thiết bị chống tội phạm nhưng trên những quãng đường vắng vẻ, nếu kẻ xấu ra tay quá nhanh thì bé cũng không thể trở tay và cũng không có ai đến giúp được cả.

3. Trang bị thiết bị định vị GPS cho trẻ để trẻ luôn nằm trong tầm quan sát của mình.

4. Dạy con ghi nhớ tên tuổi của bố mẹ, số điện thoại liên lạc.

Trẻ em ở Nhật thường tập trung thành một nhóm rồi cùng đi đến trường, đại diện hội phụ huynh sẽ có mặt để trợ giúp các em.

Ngay sau khi đọc tin tức về vụ bé Nhat Linh bị sát hại, vợ chồng chị Bích Nguyệt đã ngồi nói chuyện với con (nhưng chỉ nói là bé bị mất tích, không đề cập tới việc bị sát hại). Chị không quên nhắc lại với con điều đã dặn nhiều lần rằng: "Con không được đi theo ai ngoài bố và mẹ. Người lạ hoặc người quen có gọi đi mà bố mẹ không ở đấy thì con cũng không được đi. Khi đi ra ngoài, con không chạy lung tung mà nhất định phải cầm tay mẹ. Nếu có ô tô từ đằng sau đuổi theo con thì con phải chạy ngược lại hướng đi của ô tô"

Trên diễn đàn dành cho mẹ Việt ở Nhật, chủ đề bảo vệ con khỏi những mối hiểm họa cũng là đề tài được thảo luận đông hơn cả trong ngày hôm qua. Nhiều lưu ý được đưa ra như: "Tuyệt đối không đăng ảnh con lên Facebook và không kết bạn với người lạ. Tên con, trường còn đang học cũng là những thông tin cần được giữ bí mật. Nếu con đi học đường xa và không đi theo nhóm, bố mẹ có thể đứng từ đằng xa theo dõi cho đến khi con vào trường". Hay một ý kiến khác: "Nên cho bé đeo khẩu trang để tránh bị kẻ xấu chú ý và không nên đi cùng một con đường đến trường vì có nhiều kẻ trước khi hành động thường theo dõi thói quen của trẻ".

Bên cạnh đó, các bà mẹ còn khuyên nhau nên dành thời gian nhiều hơn cho con để hỏi han, tâm sự nhằm nắm được tình hình của con, dạy con kiến thức phòng vệ cũng như trang bị thiết bị phát tín hiệu nguy hiểm ở vị trí mà con dễ dàng sử dụng như quai cặp, cạnh sườn cặp... "Nên cho con đi học thêm mấy môn như karate, boxing... dù là trai hay gái để con có khả năng phản xạ và tự vệ được khi gặp tình huống xấu", một thành viên chia sẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam