Dòng sự kiện:

Vì sao JSD 2019 lại ưu ái những bài báo về về Luật Tiếp cận thông tin?

P.V
15:26 04/11/2019
Bởi vì Luật Tiếp cận thông tin góp phần tích cực cho vấn đề An toàn nhà báo. Dù luật Tiếp cận thông tin có nhiều hạn chế nhưng các nhà báo vẫn cho rằng nên coi nó là một kênh tiếp cận thông tin và góp phần tích cực vào việc vệ an toàn nhà báo.

Luật Tiếp cận thông tin giúp nhà báo an toàn hơn

Trong bài viết “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II – có gì bí mật?” đăng ngày 28/9/2019 trên trang điện tử của báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, nhà báo Thu Trang cho biết, để có được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo”, chị đã phải 2 lần gửi công văn đến Bộ Tài nguyên Môi trường, một lần đến ngồi lì ở trụ sở của Bộ này, hai lần liên lạc trực tiếp với cán bộ phụ trách lĩnh vực này của Bộ, dòng dã từ 6/8/2019 đến 25/9/2019 nhưng không có được câu trả lời.

Bài báo cho biết, phóng viên đã vận dụng Điều 38 luật Báo chí và Điều 131 luật Bảo vệ môi trường để yêu cầu được cung cấp thông tin nhưng cuối cùng, đã không thu được kết quả mong muốn.

Không chỉ nhà báo Thu Trang và báo Phụ nữ TP.HCM gặp khó khăn trong việc lấy thông tin, mà đây là tình cảnh chung của báo chí khi đi khai thác thông tin từ cơ quan chức năng. Theo thống kê từ năm 2009 – 2019 về “Thực tiễn thực thi quyền tiếp cận thông tin của báo chí trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam” của nhà báo Lê Nghiêm – nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin – Truyền thông), thì cơ quan nhà nước né tránh, trì hoãn, từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể, 15,9% nhà báo cho biết tiếp cận được thông tin ngay lần đầu và có tới 64,5% nhà báo cho biết nhiều lần mới tiếp cận được thông tin.

Tại toạ đàm “Báo chí với luật Tiếp cận thông tin” do Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức vào ngày 27/9/2019 và hội thảo “Một số giải pháp thực thi hiệu quả luật Tiếp cận thông tin” cũng do RED tổ chức vào ngày 14/10/2019, 7 nhà báo tham gia 2 sự kiện này ở vị trí khách mời: nhà báo Huy Minh (báo Lao động), nhà báo Đoàn Tân (báo Đời sống & Pháp luật), nhà báo Giang Vương (trang tin 24h), nhà báo Việt Hoa (báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh), nhà báo Huy Trung (báo Pháp luật Xã hội), nhà báo Thu Trang (báo Thời báo Doanh nhân), nhà báo Tiến Phòng (tạp chí Bất động sản) đều cho biết để có được thông tin cho những bài báo đắt giá, họ phải đánh đổi sự an toàn của mình (kể cả đóng vai để thâm nhập thực tế), huy động các mối quan hệ và tạo sức ép cao với cơ quan chức năng… Bởi vì nếu họ thu thập thông tin tin theo con đường thông thường, theo đúng các bước mà pháp luật quy định thì hầu hết sẽ không đạt kết quả.
Nghiên cứu của nhà báo Lê Nghiêm cũng bổ sung cho thực tế này, theo đó, 17,6% nhà báo xác nhận có được thông tin không thuộc danh mục công khai.

“Thực tế cho thấy, một số trường hợp nhà báo nhận được những thông tin không chính xác từ cơ quan nhà nước, như vụ PMU18, vụ AVG, Thủ Thiêm, vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng – Hải Phòng…”, nhà báo Lê Nghiêm nhận xét. Việc nhà báo nhận được thông tin sai, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, đó là những bài báo đưa thông tin không chính xác, có những nhà báo bị xử phạt hình sự… là những bài học rất đau sót và đáng tiếc.

Theo TS Vũ Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp), nhà báo Thu Trang có nhiều cơ hội thành công nếu áp dụng luật TCTT. Theo bà Thoa, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” thuộc loại thông tin được phép cung cấp theo luật TCTT và các nhà báo chỉ cần đến văn phòng của Bộ Tài nguyên Môi trường, lấy phiếu tiếp nhận cung cấp thông tin, điền đầy đủ các thông tin cần thiết và Bộ này sẽ phải trả lời trong vòng 15 ngày theo luật TCTT. Bà Thoa đã cho biết như vậy trong hội thảo “Một số giải pháp thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận Thông tin trong tác nghiệp báo chí” trên.

Thực thi Luật TCTT còn hạn chế nên càng phải dùng nhiều

Tại hội thảo này, nhà báo Giang Vương cũng cho biết, nếu luật TCTT ra đời sớm thì anh đã không phải mất tới 3 năm, bị “đá” thông tin từ phường lên UBND thành phố Hà Nội để giải quyết vụ ông hàng xóm xây tường chắn lối đi nhà anh mấy năm trước.

Nhà báo Huy Minh, với vị trí phụ trách nội dung của báo Lao động cuối tuần và nhà báo Đoàn Tân, nhà báo Tiến Phòng cho biết, sẽ coi luật TCTT như một kênh để khai thác thông tin khi thực hiện những đề tài đòi hỏi điều tra lâu dài.

Một trong những lý do nhà báo Thu Trang không dùng luật TCTT để lấy báo cáo trên là vì chị không tin tưởng về hiệu quả của nó. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều nhà báo về luật TCTT tại hội thảo “Một số giải pháp thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận Thông tin trong tác nghiệp báo chí”. Theo điều tra tại hội thảo này thì có 93% nhà báo quan tâm tới Luật TCTT nhưng 76% đánh giá nó “chưa hiệu quả” và 43% người “gặp khó khăn trong yêu cầu cung cấp thông tin” theo Luật này.

Quả thật là với báo chí, luật TCTT còn nhiều hạn chế. Theo kết luận của toạ đàm “Báo chí với luật TCTT” ngày 27/9 thì theo Luật này, cơ quan chức năng chỉ cung cấp những thông tin đã được soạn thảo thành văn bản, có đóng dấu đỏ. Tuy nhiên, hầu hết những thông tin mà nhà báo cần không chỉ là văn bản khô cứng theo luật TCTT.

Bên cạnh đó, theo luật TCTT thì cơ quan chức năng sẽ trả lời trong vòng 15 ngày, trong khi đó, báo chí thì phải có tính thời sự và các tin cần được trả lời trong ngày hoặc chậm lắm là trong tuần.

Tiếp đó, luật TCTT quy định, một số văn bản theo luật này lại chỉ cấp cho một số đối tượng liên quan, việc khiếu nại về quyền khá phức tạp, nhà chức trách lại có quyền quyết định không cấp những thông tin nào có thể gây hại… Những hạn chế này dẫn đến việc báo chí thờ ơ với nó.

Tuy nhiên, dù còn nhiều hạn chế thì các nhà báo cần tuyên truyền cho luật TCTT bởi vai trò của báo chí là xây dựng, thúc đẩy Nhà nước, người dân thực thi Luật Tiếp cận thông tin. Nhà báo có thể sử dụng luật TCTT khi thực hiện các đề tài sâu, có nhiều thời gian và để xác định các nguồn tin thật, giả liên quan đến lĩnh vực chính sách. Đây là kết luận của gần 80 nhà báo và chuyện gia qua toạ đàm và hội thảo về “Báo chí với luật TCTT” được tổ chức trên.

Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2019 do Viện Nghiên cứu Truyền Thông phát triển (RED) tổ chức với mục đích hỗ trợ báo chí Việt Nam tham gia thúc đẩy 17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030”.  

Đây là giải báo chí thường niên và đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, thu hút được hơn 500 tác phẩm của 173 tác giả từ 142 cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc. Các bài viết phản ánh bức tranh chân thực, tạo động lực thúc đẩy, thể hiện vai trò không thể thiếu của báo chí truyền thông trong tiến trình mục tiêu phát triển bền vững.

Thời hạn nhận bài dự cuối cùng là ngày 30/11/2019.

Nguồn: Gia đình Việt Nam